skip to main content
skip to main content

'Kiến trúc phải đẹp và ấn tượng, nhưng không phải để khoe mẽ'

Khác với nhiều kiến trúc sư trẻ tập trung ở thị thành, Đoàn Thanh Hà tìm về những vùng sâu, vùng xa và bị ảnh hưởng thiên tai để hình thành những công trình ...

- 16/03/2020 12:48:02 - Góp ý

Khác với nhiều kiến trúc sư trẻ tập trung ở thị thành, Đoàn Thanh Hà tìm về những vùng sâu, vùng xa và bị ảnh hưởng thiên tai để hình thành những công trình thiết kế vì cộng đồng.

 

Kiến trúc phải đẹp và ấn tượng, nhưng không phải để khoe mẽ - Ảnh 1.
KTS Đoàn Thanh Hà

"Kiến trúc đương nhiên phải đẹp và ấn tượng, nhưng không phải để khoe mẽ. Tôi quan niệm cái đẹp nhiều khi xuất phát từ đúng nhu cầu và đáp ứng đúng đối tượng. Ý tưởng kiến trúc của tôi bắt đầu từ đó" - KTS Đoàn Thanh Hà mở đầu cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ.

Nguyên tắc "3 không"

* Nhiều KTS thường muốn gắn tên tuổi mình với những công trình hoành tráng, hiện đại, nhưng anh lại hướng đến những vùng khó khăn, xa xôi chỉ để xây công trình vệ sinh cho trẻ em. Điều gì thu hút anh thế?

- Năm 2008, khi đi thực tế ở miền núi phía Bắc, tôi phát hiện học sinh ở nhiều trường vùng cao không có nhà vệ sinh, thậm chí người dân đều có thói quen "thiên nhiên" là lên đồi, tìm một gốc cây nào đó để giải quyết nhu cầu.

Ở những trường được đầu tư xây nhà vệ sinh cho các em thì đều theo hướng bêtông hóa, khép kín nên nhiều trẻ vẫn thích "thiên nhiên" hơn.

Tôi nghĩ đó không chỉ là nơi giải quyết nhu cầu vệ sinh thuần túy mà phải là nơi giáo dục thói quen có văn hóa. Muốn thế thì phải gần gũi, thân thiện và tiện lợi.

Tôi theo đuổi quan điểm "kiến trúc vị dân sinh", nghĩa là những gì mình làm phải giúp cho cuộc sống thực tế của con người tốt hơn. Tôi quan tâm tới cộng đồng dễ bị tổn thương, thua thiệt về điều kiện kinh tế, vị thế xã hội thấp, những nhu cầu tối thiểu chưa được đáp ứng.

Công trình vườn vệ sinh đầu tiên chúng tôi tự bỏ tiền làm, mục đích là tặng cho học sinh ở một nơi như thế.

Kiến trúc phải đẹp và ấn tượng, nhưng không phải để khoe mẽ - Ảnh 2.

Vườn vệ sinh cho trẻ ở Cao Bằng

* Chọn Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng), một huyện khá hẻo lánh và cũng khó khăn cho việc triển khai ý tưởng, hẳn anh gặp nhiều khó khăn?

- Có chứ, chúng tôi khá vất vả để thuyết phục mọi người tin rằng chúng tôi đang muốn làm một công trình tặng học sinh. Cả khi UBND huyện ủng hộ, chúng tôi cũng bị người dân phản ứng. Họ nghi ngờ chúng tôi đến chiếm đất nên phản ứng rất dữ dội.

Huyện ủng hộ nhưng khi đó cũng lúng túng, không biết xem nó là loại công trình gì trong quy định hiện hành. Vì theo quy định, nhà vệ sinh trường học cũng phải bêtông hóa, còn chúng tôi muốn tạo nên một công trình vệ sinh thân thiện.

Nguyên tắc trong kiến trúc vườn vệ sinh cũng như các công trình khác của tôi là "3 không": vật liệu chính không mang từ nơi khác đến mà sử dụng vật liệu sẵn có tại địa phương, không dùng đội quân chuyên nghiệp từ nơi khác đến mà sử dụng nhân công tại chỗ là chính (dễ làm, để sau này khi chuyển giao cho địa phương, thì người dân có thể tự làm được) và không cưỡng đoạt tự nhiên.

Kiến trúc phải đẹp và ấn tượng, nhưng không phải để khoe mẽ - Ảnh 3.

Vườn vệ sinh ở Điện Biên

* Anh nói vườn vệ sinh gần gũi, thân thiện và thay đổi thói quen sinh hoạt của trẻ vùng cao - vậy mô tả như thế nào để dễ hình dung?

- Tôi lấy ý tưởng từ một cái cây. Xung quanh gốc "cây" đó gồm ba phần: phần xí, phần tiểu, phần tắm giặt của học sinh (chia ra 2 khu nam/nữ)... Vì khan hiếm nước, chúng tôi phải tính phương án xử lý nước sinh hoạt để tái sử dụng. Nước giặt, rửa (gọi là nước xám) sẽ được lọc để làm nước xả khu xí và tiểu. Nước thải vệ sinh (gọi là nước đen) được xử lý lọc 2 lần để sử dụng tưới cây.

Vì vậy, các thầy, cô giáo và học sinh có thể trồng rau, trồng cây xung quanh để công trình trở thành vườn. Vườn vệ sinh dùng điện từ pin mặt trời, nhưng để tiết kiệm năng lượng, việc thiết kế đã chú ý đến việc thông gió và lấy ánh sáng tự nhiên.

Khi thành quả vườn vệ sinh tại Cao Bằng được khẳng định, UNICEF đã quyết định ứng dụng cho một vườn vệ sinh quy mô lớn hơn ở Trường dân tộc nội trú Ta Ma (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên). Công trình này do UNICEF đầu tư, còn chúng tôi thiết kế và tư vấn giám sát.

Những vườn vệ sinh như vậy không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, mà còn góp phần giáo dục cho trẻ nhỏ ở vùng cao có ý thức vệ sinh, ý thức tiết kiệm nước và tránh phát thải ra môi trường.

Kiến trúc phải đẹp và ấn tượng, nhưng không phải để khoe mẽ - Ảnh 4.

Vườn vệ sinh cho trẻ ở Điện Biên

Những công trình "nở hoa"

* "Tổ ấm nở hoa" là một trong nhiều công trình anh được nhận giải thưởng quốc tế. Nó có nằm trong mạch sáng tạo mang triết lý "vị dân sinh" và nguyên tắc "3 không" của anh?

- Đó là nhà ở cho vùng thiên tai, có thể chịu được gió bão và nước ngập 1,5m. Tôi bắt đầu nghĩ về nó từ năm 2008 và hoàn thành lắp dựng thử nghiệm vào năm 2013. Nó cũng là một trong những công trình tôi muốn hướng đến cộng đồng đang chịu thiệt thòi, trong đó tôi quan tâm tới giải pháp sống chung với bão lũ ở những vùng thiên tai khắc nghiệt. Cũng như vườn vệ sinh, nó sử dụng vật liệu và nhân công tại chỗ là chính.

* Vì sao lại có tên "tổ ấm nở hoa", nghe rất lãng mạn?

- Tôi xác định ngay từ đầu nó phải là tổ ấm, nó có ý nghĩa tinh thần trong đó. Vì ngôi nhà phải là nơi người ở tìm thấy sự an toàn, bình yên, ấm áp thật sự, họ có tình cảm với nó, gắn bó với nó.

Cấu trúc của "tổ ấm nở hoa" phải linh động, đàn hồi, dễ điều chỉnh để người dân có thể chống đỡ được khi thiên tai xảy đến bất ngờ. Ví dụ, thiết kế nhà có sàn cao để chống ngập, nhưng trong tình huống lũ lụt dâng cao thì nó có thể nổi được.

* Hình như anh còn có nhiều công trình "nở hoa" nữa?

- Nếu nhìn khái niệm "nở hoa" ở khía cạnh các công trình đều mở ra, là một phần của tự nhiên, linh hoạt, tiện ích, phù hợp với người sử dụng, điều kiện sinh hoạt và môi trường - thì đúng như vậy.

Tôi tôn trọng quan điểm "kiến trúc chính là thiên nhiên". Các công trình ở Cao Bằng, Điện Biên, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Hà Nam... đều hướng đến việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu, sinh tồn của người dân như giáo dục, y tế, nhà ở, nhà sinh hoạt cộng đồng, gắn kết xã hội.

Tôi thường nghiên cứu kỹ bối cảnh để phát triển ý tưởng kiến trúc. Làm sao để đó không phải là một công trình đẹp nhưng vô cảm - một cái đẹp cô đơn tách khỏi môi trường xung quanh. Hơn thế, tôi muốn kiến trúc phải tác động đến ứng xử văn hóa, thói quen, nếp sống, ý thức cộng đồng...

Tôi muốn nhấn mạnh thông điệp kiến trúc phải có trách nhiệm với môi trường tự nhiên cũng như với môi trường văn hóa - xã hội. Và kiến trúc chỉ thực sự bền vững khi các giải pháp "xanh" được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ một cách tự nhiên nhất.

KTS Đoàn Thanh Hà tốt nghiệp ĐH Kiến trúc Hà Nội năm 2002. Anh và cộng sự đã có khoảng 50 giải thưởng quốc tế cho các công trình kiến trúc đã triển khai và đang nhân rộng ở nhiều địa phương, có thể kể đến: giải thưởng của Liên hiệp Hội kiến trúc sư thế giới (UIA), 2 huy chương vàng của Liên hiệp Hội kiến trúc sư châu Á, huy chương bạc giải thưởng quốc tế Baku do UIA và Bộ Văn hóa Azerbaijan tổ chức...

Kiến trúc phải đẹp và ấn tượng, nhưng không phải để khoe mẽ - Ảnh 6.

KTS Nguyễn Trí Thành (phó chủ nhiệm khoa kiến trúc Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội)

* KTS Nguyễn Trí Thành (phó chủ nhiệm khoa kiến trúc Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội):

Làm kiến trúc không phải cho bản thân mình

Có lẽ không cần nói nhiều về quan điểm "kiến trúc vị dân sinh" của Đoàn Thanh Hà vì chúng ta đều đã biết qua đôi lần anh chia sẻ và qua chính những công trình anh đã làm. Điều đáng trân trọng là quan điểm ấy đã được anh kiên trì theo đuổi và bồi đắp trong suốt 10 năm, vượt qua nhiều khó khăn và thử thách, để ngày một rõ ràng và nhất quán.

Qua những chia sẻ của anh, tôi thấy mỗi người chúng ta đều sẵn có bản tính nhân văn, có mầm mống của cái thiện, nhưng để làm được một việc tốt đẹp cho những đồng bào đang chịu nhiều thua thiệt lại không hề đơn giản.

Hà làm kiến trúc không phải cho bản thân mình nên không giữ mãi một cách biểu hiện quen thuộc để thành thương hiệu, mà đa dạng hóa phù hợp với hoàn cảnh và con người cụ thể.

VĨNH HÀ thực hiện

Nguồn: https://tuoitre.vn/kien-truc-phai-dep-va-an-tuong-nhung-khong-phai-de-khoe-me-20190515093146659.htm


Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Tin khác:

» Những công trình kiến trúc độc đáo bậc nhất thế giới

Kiến Trúc - - 12:58 16/03/2020
Điều gì sẽ xảy ra khi nghệ thuật hiện đại và kiến trúc kết hợp lại? Những tác phẩm dưới đây sẽ khiến bạn không khỏi ấn tượng trước sự sáng tạo của ...

» Giới thiệu chung về Công ty DHF

Kiến Trúc - - 5:35 07/03/2020
Công Ty TNHH Tư Vấn và Dịch Vụ DHF ( Công ty DHF - DucHienFood ) được thành lập theo giấy đăng ký doanh nghiệp số 4300843819 do Sở Kế hoạch và Đầu ...

Góp ý bài viết

×